VOV.VN – Rau củ quả Trung Quốc thường có vẻ ngoài to và “đẹp mã” hơn rau củ quả Việt Nam.
Việt Nam không bao giờ thiếu các loại rau củ quả ngon theo mùa, thế nhưng vì giá thành rẻ và hình thức đẹp mà nhiều lái buôn vẫn nhập rau củ quả từ Trung Quốc về và ngâm qua hóa chất giữ tươi rồi bán tới các chợ. Việc này tạo ra mối tai họa ngầm cho sức khỏe của người tiêu dùng khi sử dụng phải những loại rau củ quả không đảm bảo chất lượng.
Vậy nên, để giữ được sự sáng suốt khi lựa chọn thực phẩm cho bản thân và gia đình, hãy lưu ngay những bí quyết giúp phân biệt rau củ quả Việt Nam và Trung Quốc:
Ảnh: Internet
Tỏi
Tỏi Trung Quốc rất dễ nhận biết vì có củ to, màu trắng sáng, vỏ mỏng, dễ bóc các tép tỏi ra khỏi củ và dễ bóc vỏ. Tỏi Việt Nam hay còn gọi là tỏi ta lại có củ nhỏ hơn, vỏ dày, các tép dính khá chặt và khá khó để bóc vỏ. Khi chế biến cũng có thể nhận thấy rõ, tỏi ta thường cay nồng và có mùi vị thơm ngon hơn tỏi Trung Quốc.
Ảnh: Internet
Hành tím
Hành tím Trung Quốc có củ to, tròn, vỏ mỏng, thường có 1 tép, không được thơm lắm và có màu tím nhạt trong khi hành tím Việt Nam thường có hình dạng không tròn hẳn, các lớp hành xếp vào nhau dày đặc hơn. Khi thái thấy cay hơn, có mùi thơm đặc trưng của hành và có khoảng 2-3 tép nhỏ.
Ảnh: Internet
Gừng
Gừng Trung Quốc có lớp vỏ nhẵn, căng mọng, củ to, đều, màu sáng và phần thịt bên trong có màu trong, không mấy dậy mùi trong khi gừng ta thường có củ nhỏ, nhiều nhánh, lớp vỏ sần sùi và kích thước các nhánh không đồng đều, khi thái cũng thấy có mùi thơm của gừng hơn, phần thịt màu vàng đậm và có thể hơi xơ hơn. Tuy nhiên, cũng như các loại củ gia vị như hành, tỏi, gừng ta khi chế biến có vị cay nồng và mùi thơm hơn hẳn gừng Trung Quốc.
Ảnh: Internet Ảnh: Internet
Bí đỏ
Bí đỏ Trung Quốc thường có kích thước lớn, quả dài, vỏ ngoài bóng và đẹp. Khi nạo vỏ cũng dễ hơn do phần vỏ mỏng hơn, thịt quả bên trong có màu cam nhạt hơn. Trong khi đó, bí đỏ Việt Nam có kích thước nhỏ, vỏ ngoài sần sùi và hình dáng méo mó, thường là hình tròn và có phần vỏ dày nên khá khó để nạo. Thịt quả sẽ ít hơn nhưng có màu sắc đậm, khi nấu cũng bở và ngọt hơn hẳn.
Cà chua
Cà chua Trung Quốc thường được bón thuốc tăng trưởng nên quả to hơn, có hình tròn đều và căng mịn, bóng trái hơn hẳn. Ngay cả khi chín đỏ thì quả vẫn rắn chắc (do bị dùng thuốc kích thích để nhanh chín hơn) và thường bị rụng cuống vì ngâm chất bảo quản. Có một điểm đặc biệt là vì chín ép nên trái sẽ hơi loang lổ chỗ chín chỗ xanh không được đều màu với nhau.
Cà chua Việt Nam có kích thước nhỏ, thuôn hình bầu dục, quả thường còn nguyên cuống, có núm nhỏ, nhọn. Cà chua ta không có độ bóng đẹp và thường bị mềm, dập do để chín tự nhiên. Khi chế biến cà chua Việt Nam cũng nhanh mềm, cho ra nhiều nước hơn và dễ dằm nát hơn.
Ảnh: Internet
Súp lơ
Súp lơ Trung Quốc có bông nhỏ, cuống ngắn, màu xanh đậm và các búp lơ đều, dính sát vào nhau hơn. Phần thân thường bị cắt ngắn để tiện cho bảo quản và vận chuyển hơn. Còn súp lơ Việt Nam có bông to hơn, màu không đồng đều, búp lơ cũng hơi xòe, không dính sát nhau và phần thân cũng thường được giữ nguyên, thậm chí giữ cả lá để bao lấy bông súp tránh cho bị dập nát.
Ảnh: Internet Ảnh: Internet
Khoai tây
Củ khoai tây Trung Quốc thường to, dài, có kích cỡ đều nhau, vỏ dày và trơn bóng. Khoai tây da vàng nhưng ruột trong có màu vàng nhạt gần như màu trắng. Nếu cắt đôi, chúng sẽ chảy nhiều nước. Khi chế biến khoai tây Trung Quốc thường sượng hoặc nhão và không được bở, bùi.
Khoai tây Việt Nam có kích thước vừa phải, hình bầu dục hoặc tròn, thường có lớp vỏ còn dính đất cát, vỏ mỏng nên dễ bị trầy xước do quá trình vận chuyển, đổ đống củ bị va vào nhau, thâm đen và trông không mấy đẹp mã. Khoai tây da vàng thì có ruột màu vàng nhạt hoặc trắng đục, còn khoai tây da hồng thì ruột có màu vàng nhạt hơn. Khi chế biến, khoai Việt Nam cũng ít bị chảy nước, có vị ngọt tự nhiên, bở và bùi hơn.
Thêm một đặc điểm để nhận biết nữa là mắt khoai tây Trung Quốc thường to và sâu hơn phần mắt khoai tây Việt Nam.
Ảnh: Internet Ảnh: Internet
Nho
Nho Trung Quốc có đặc điểm là quả tròn, to, có màu tím nhạt, thường có lớp phấn màu trắng đục khó rửa khỏi vỏ bao phủ bên ngoài. Nho có nhiều hạt, thịt quả mềm nhiều nước nhưng vị hơi chua. Trong khi nho Việt Nam (nho Phan Rang, Ninh Thuận chính gốc) có quả nhỏ hơn, màu sắc không đều (đỏ, tím nhạt), quả chắc và cứng hơn nhưng lại mọng hơn, ít hạt. Cuống chùm thường tươi hơn do không cần ngâm nhiều chất bảo quản. Nho thường là các chùm ngắn, nhỏ và có vị chua đậm hơn.
Bắp cải
Bắp cải Trung Quốc thường nhỏ, lá tròn, vài chiếc lá ngoài cùng thường có màu xanh đậm, bắp nhẹ hơn do các bẹ lá tuy nhỏ nhưng cuốn khá lỏng lẻo, dễ bóc tách hơn. Bắp cải Đà Lạt to hơn, hình tròn đẹp, lớp lá bao ngoài có màu xanh nhạt, bẹ lá cuốn chặt, cầm nặng tay và khó bóc tách hơn.
Hành Tây
Hành tây Trung Quốc củ tròn, to, đồng đều, phần thớ ngoài vỏ cũng đều nhau trông khá đẹp mắt, lớp vỏ nâu khá dai, sáng bóng, ít bị xây xước và dễ bóc vỏ hơn. Trong khi hành tây Việt Nam có hình dáng hơi thon, củ nhỏ, không đồng đều về kích cỡ và phần vỏ mỏng màu đậm nhạt không đều nên thường bị xước vỏ khi vận chuyển. Vỏ cũng khó bóc hơn do mỏng và dính sát vào phần thịt và thường có phần cuống hơi dài có thể cầm để nhấc cả củ hành lên. Hành tây ta cũng có mùi vị thơm và cay hơn khi chế biến, lúc cắt đôi cũng có thể quan sát được nó ít bị ra nước hơn hành tây Trung Quốc.
Ảnh: Internet
Cải thảo
Cải thảo Trung Quốc có bắp to, tròn, lá ngoài có màu xanh hơi già, đầu búp cụp vào và không xoăn. Chúng thường rắn chắc và ít bị nhàu nát hơn nhưng khi bổ ra sẽ thấy búp cuộn không chặt, lá cải xếp chồng lên nhau lỏng lẻo hơn.
Còn cải thảo Việt nam có đầu bắp thon, dài, đầu búp thường xoăn, kích thước cũng nhỏ hơn hẳn. Thân lá khá mềm, thường bị rũ lớp bẹ ngoài nhưng khi bổ ra sẽ thấy bẹ bên trong chặt, búp cũng có kết cấu chắc chắn hơn.
Ảnh: Internet
Cà rốt
Cà rốt Trung Quốc thường có củ to, thân nhẵn bóng, ít rễ phụ và không có cuống lá do quá trình vận chuyển phải bỏ cuống đi để bảo quản. Phần đầu củ (chỗ mọc lá) thường có màu thâm đen do để lâu và ngâm chất bảo quản, thịt quả cũng có màu vàng cam đậm hơn. Cà rốt Việt Nam thì củ nhỏ, thuôn dài, hơi cong vẹo chứ không được tròn thẳng, thường có ít rễ mọc ra ở đuôi và trên thân củ, có cuống dài hoặc còn cả lá để giữ tươi. Khi chế biến cũng có thể thấy cà rốt ta có màu cam nhạt hơn, phần thịt quả mọng nước và ngọt hơn.
Ảnh: Internet
Khách quan mà nói, nếu tiểu thương sử dụng nhiều chất bảo quản và chất kích thích trong quá trình sản xuất, vận chuyển thì kể cả là rau củ Việt Nam cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ ngộ độc, nhiễm độc từ hóa chất trong thực phẩm. Tuy nhiên, do khoảng cách địa lý và điều kiện môi trường nên rau củ quả Việt Nam vẫn sẽ ít bị dùng các hóa chất độc hại hơn là rau củ quả Trung Quốc.
Bên cạnh đó, do đặc điểm về hình thái và ít bị sử dụng chất kích thích chín ép hơn nên rau củ quả Việt Nam thường đậm vị, có mùi thơm và vị ngon hơn hẳn. Rất phù hợp với câu nói “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, vẻ ngoài tuy không mấy bắt mắt nhưng chế biến lại ngon và nhiều dinh dưỡng hơn hẳn.
Ảnh: Internet
Với những mẹo nhận biết trên, hi vọng rằng các bà nội trợ có thể trang bị thêm kiến thức cho mình khi đi chợ, để bữa ăn gia đình được đảm bảo hơn./.
Ảnh: Internet