Có bao giờ bạn gắt gỏng, cáu kỉnh với cha mẹ nhưng lại đon đả, nhẹ nhàng với người ngoài?
Chúng ta sống trong một xã hội với nhiều mối quan hệ khác nhau. Nhiều người có mối quan hệ gần gũi, thân thiết, cùng ta lớn lên, chẳng hạn như người thân trong gia đình, bạn bè. Cũng có một số người có mối quan hệ tương đối bình thường, chỉ là bạn xã giao, đồng nghiệp.
Chúng ta thường có xu hướng đối xử thân thiện, nhẹ nhàng với người ngoài nhưng lại gắt gỏng, cáu kỉnh với người thân. Vậy nguyên nhân do đâu lại có cách hành xử như vậy?
Cơ chế bảo vệ tâm lý đặc biệt
Điều này là do trong mắt một số người, vòng tròn xã hội bên ngoài quan trọng hơn đối với họ. Xét cho cùng, quan hệ huyết thống là điều không thể thay đổi được. Dù chúng ta có phạm sai lầm thì gia đình vẫn ở bên ta, hỗ trợ và cùng ta bước qua.
Điều này dẫn đến việc một số người không quan tâm đến tình thân gia đình, thờ ơ với những người thân yêu. Họ nghĩ rằng dù bất kể họ khiến người khác tổn thương như thế nào, người thân cũng không bao giờ rời bỏ họ. Ngược lại, các mối quan hệ xã hội tương đối mong manh, một khi để lại ấn tượng xấu, đối phương có thể rời bỏ họ.
Do đó, những người như vậy thường dành phần lớn thời gian và năng lượng để quản lý các mối quan hệ giữa các cá nhân và hình ảnh của chính họ.
Cũng có quan điểm cho rằng, chúng ta luôn quen với những gì mình có một cách dễ dàng. Và sự giúp đỡ, tận tình giữa các thành viên trong gia đình cũng vậy. Trước khi chúng ta chính thức có tổ ấm riêng, chúng ta dành phần lớn thời gian bên gia đình. Chúng ta đã quá quen với lời nói và việc làm của nhau nên bớt trân trọng điều nhỏ nhặt đó.
Khi tự bảo vệ mình, chúng ta sẽ thấy một số vấn đề không thể giải quyết bằng sự lãng quên hoặc các phương tiện khác. Chúng ta thường chọn các phương pháp phòng thủ tâm lý thay thế, nói một cách đơn giản, đó là trút giận ra ngoài.
Chẳng hạn khi có bất bình với đồng nghiệp, với sếp ở công ty, không ít người đành nuốt giận vào bên trong, không dám phản kháng. Sự chênh lệch về địa vị, nguồn thu nhập cùng nhiều vấn đề khác khiến chúng ta phải cân nhắc, dè dặt. Nhưng với người nhà thì không như vậy, chúng ta sẵn sàng chuyển cảm xúc tiêu cực sang những người thân yêu, mất bình tĩnh trước họ.
Dù có đi đâu chăng nữa thì hãy nhớ rằng vẫn luôn có một nơi để về. Khi không nhìn nhận câu nói đó một cách biết ơn mà cho rằng đó là điều tất yếu, chúng ta sẽ trở nên coi nhẹ các mối quan hệ thân thiết. Đến một ngày nào đó, ta nhận ra, điều tồi tệ nhất là khi những người thân yêu không còn bên cạnh.
Chúng ta nên ý thức rằng, bất kỳ mối quan hệ nào cũng cần được duy trì và mối quan hệ gia đình cũng không ngoại lệ. Không chú ý đến việc duy trì tình cảm với người thân sẽ mang lại nhiều rắc rối và tổn thương cho cuộc sống.
4 điều không nên phạm phải với người thân yêu
1. Nghèo khó không oán thán cha mẹ
Cha mẹ ban cho sinh mạng, cất công nuôi dưỡng, dạy bảo ta nên người. Bản thân có được ngày hôm nay là do cha mẹ đã cố gắng, hy sinh đời mình để lo cho ta tất cả những gì có thể. Vì thế, đừng bao giờ chỉ vì bất đồng ý kiến hoặc khó khăn tiền bạc mà oán trách mẹ cha, chê bai nghèo khó.
Chúng ta phải biết ơn và hiếu thuận với cha mẹ. Đây là đạo lý, cũng là nhân phẩm của một con người. Bạn hiếu thuận với cha mẹ thì con cái bạn mới noi gương và hiếu thuận với bạn.
2. Không tị nạnh với anh em
Đừng bao giờ so sánh tị nạnh với anh chị em trong nhà, vì mỗi người một hoàn cảnh, cách thể hiện tấm lòng khác nhau, không thể dùng cách làm của mình làm khuôn mẫu để đánh giá người khác.
Hiếu kính với cha mẹ mà tính toán so bì với anh em trong nhà, dù có được phần hơn cũng phát sinh mâu thuẫn. Như vậy, người buồn lòng nhất chính là cha mẹ. Hiếu thảo để ra uy như vậy gọi là ngụy hiếu, người làm con có lương tâm đừng bao giờ phạm phải.
3. Khổ cực không than trách vợ/chồng
Vợ chồng là người nắm tay nhau đi đến cuối cuộc đời, cùng sinh sống và nuôi dạy con cái. Đã là vợ chồng thì cùng nhau vượt qua mọi thử thách của cuộc sống.
Có một số người, gặp cảnh nghèo khó hay con cái mắc lỗi, liền đổ hết cho bạn đời, cho rằng họ khiến mình vướng bận, xui xẻo. Nhưng họ không nhìn lại bản thân mình.
Người thật sự có bản lĩnh, dù đàn ông hay phụ nữ đều không bao giờ đùn đẩy trách nhiệm sang người khác. Khi gặp chuyện, trước tiên xét nguyên nhân từ bản thân mình, rồi tìm cách giải quyết. Những lời quở trách chỉ khiến mâu thuẫn tăng lên, ảnh hưởng hòa khí gia đình, tổn thương tình cảm vợ chồng. Chỉ khi đồng vợ đồng chồng, cả nhà đoàn kết mới có thể giải quyết được mọi chuyện.
4. Tức giận không trút vào con cháu
Có một số người, khi bị chèn ép trong công việc, cuộc sống gặp áp lực, tâm trạng không tốt, không biết cách tháo gỡ, không có nơi tâm sự, bèn trút lên đầu con cháu.
Đối với họ, con cái là do mình sinh ra, mắng mỏ con một chút cũng không sao. Thật ra đối với trẻ em mà nói, không khí gia đình sẽ ảnh hưởng đến tâm lý cả một đời. Một đứa trẻ hạnh phúc, có thể dùng tuổi thơ vui vẻ sống tốt phần đời còn lại; một đứa trẻ bất hạnh, có khi phải dùng cả phần đời còn lại để trị liệu cho vết thương của tuổi thơ.
Người làm cha mẹ cần kiểm soát tốt cảm xúc, rồi dùng tình thương để lắng nghe, phân tích và định hướng cho con, giúp con trưởng thành. Làm cha mẹ, người thân mà chỉ biết trách mắng con cháu sẽ khiến trẻ càng ngày càng xa lánh, không dám gần gũi.
Nguồn: Tổng hợp
Theo Phụ nữ Việt Nam
https://phunuvietnam.vn/tai-sao-mot-so-nguoi-doi-xu-te-voi-cac-thanh-vien-trong-gia-dinh-nhung-lai-giup-do-nguoi-ngoai-20230620151530842.htm